Chuyên gia dự báo khoảng 40.000 tỷ đồng sắp được bơm vào bất động sản
Theo TS. Cấn Văn Lực, khi Ngân hàng Nhà nước nới room, giả định tỷ lệ vốn tín dụng bình quân dành khoảng 20% cho bất động sản thì ước tính sẽ có khoảng 40.000 tỷ đồng sắp chảy vào thị trường. Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu…
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Với mức tăng từ 1,5-2%, tương đương với 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hướng dòng tiền vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này.
Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với báo chí, TS. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá, động thái này sẽ tạo ra niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng “xuống tiền” trở lại cũng như kích thích những dòng tiền khác tạo ra động thái tích cực trúng nhiều đích.
Nhận định về thị trường bất động sản trong năm 2022, ông Lực cho rằng, có ba thách thức. Một là thị trường đang điều chỉnh rất mạnh sau hơn 2 năm tăng trưởng rất nóng. Hai là câu chuyện về pháp lý chưa được giải quyết rốt ráo. Thứ 3 là liên quan đến vốn. Trong đó có lo ngại dòng vốn sẽ chảy vào phân khúc đầu cơ thay vì đi vào nhu cầu thực. Theo TS. Cấn Văn Lực, dòng vốn sẽ đi vào cuộc sống, sản xuất kinh doanh trong đó có bất động sản tương đối nhanh.
Ông Lực cũng chỉ ra 3 lý do khiến dòng vốn sẽ chảy đến đúng với người có nhu cầu ở thực.
“Đầu tiên là các hồ sơ đang chờ giải ngân đã được các ngân hàng rà soát rất kỹ trong thời gian vừa qua. Những hồ sơ này phải đảm bảo điều kiện tốt về pháp lý và có nhu cầu thực. Nếu cho vay đầu cơ thì cả người đầu cơ và người cho vay đều rủi ro.
Thứ hai là bài học kinh nghiệm của cả hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp tích lũy được thời gian qua. Họ biết giải ngân biết như nào để đáp ứng yêu cầu.
Thứ ba là những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực người dân mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống” – ông Lực nói.
Giải ngân nhanh chóng dự án bất động sản đủ điều kiện
Hôm qua (14/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đơn vị tiếp tục làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, tích cực rà soát khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Bộ Xây dựng cùng các địa phương, doanh nghiệp tổng hợp kết quả làm việc của tổ công tác, xử lý theo thẩm quyền và đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền.
Theo công điện, Thống đốc Ngân hàng nhà nước chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại và các chủ thể liên quan tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tiết kiệm chi phí, giảm thủ tục hành chính, tăng cường số hóa để cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế.
Ngân hàng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tướng lưu ý, ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh, thành khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường…
Các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có liên quan tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán… phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
Trước đó, ngày 17/11, Thủ tướng đã quyết định thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.